Căng thẳng leo thang ở Trung Đông hiện vẫn chưa gây ra sự gián đoạn nguồn cung trên thị trường dầu mỏ, vốn vẫn đang “được cung ứng đủ”, theo báo cáo từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vào thứ Ba. Cơ quan này cũng khẳng định sẵn sàng “hành động” trong trường hợp xảy ra các vấn đề nghiêm trọng.
IEA lưu ý trong báo cáo hàng tháng: “Sự leo thang căng thẳng giữa Israel và Iran đang làm dấy lên lo ngại về xung đột rộng hơn ở Trung Đông và khả năng gián đoạn đối với xuất khẩu dầu của Iran”.
Tuy nhiên, IEA chỉ ra rằng, “một số yếu tố góp phần ổn định thị trường, chẳng hạn như việc giải quyết xung đột chính trị ở Libya khiến xuất khẩu dầu của nước này giảm một nửa trong thời gian ngắn, tổn thất sản lượng tương đối khiêm tốn do các cơn bão lớn ở Mỹ và nhu cầu thấp”.
IEA nói: “Hiện tại, xuất khẩu dầu từ Iran và các nước láng giềng không bị ảnh hưởng, nhưng thị trường vẫn trong tình trạng cảnh giác, chờ đợi những diễn biến tiếp theo của cuộc khủng hoảng”.
“Khi nguồn cung tăng lên, IEA sẵn sàng hành động nếu cần thiết”, bằng cách thực hiện “các biện pháp tập thể” tương tự như đã làm vào năm 2022 khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra, theo cơ quan này được thành lập vào năm 1974 bởi OECD sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ nhằm đảm bảo nguồn cung dầu cho các nước giàu.
Một phát ngôn viên của IEA nói với AFP: “IEA sẵn sàng hành động trong trường hợp nguồn cung bị gián đoạn đáng kể – và nếu tình hình thị trường yêu cầu”.
Theo IEA, thế giới có thể trông cậy vào trữ lượng dầu đáng kể. Cơ quan này lưu ý: “Hiện tại, nguồn cung vẫn tiếp tục chảy và nếu không có sự gián đoạn lớn, thị trường sẽ phải đối mặt với tình trạng dư thừa đáng kể vào năm 2025”.
Sau khi giảm xuống dưới 70 USD vào tháng 9, giá dầu Brent đóng cửa ở mức trên 80 USD/thùng vào ngày 7/10, lần đầu tiên sau một tháng rưỡi, do lo ngại về một cuộc tấn công của Israel vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran.
Sáng thứ Ba, giá dầu Brent giảm 5% sau khi có thông tin rằng Israel không có dự định nhắm vào các cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran, cùng với báo cáo của IEA và OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu và các đồng minh). Giá dầu vẫn duy trì trên mức 70 USD vào khoảng 9 giờ 40. Trước đó, vào thứ Hai, giá dầu đã kết thúc phiên ở mức giảm mạnh.
Khi báo cáo của IEA được công bố, “các hợp đồng tương lai dầu thô Brent được giao dịch ở mức khoảng 78 USD/thùng, giảm hơn 10 USD so với cùng kỳ năm trước”, IEA cho biết.
Tuần trước, Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết ông kỳ vọng, “giá dầu sẽ ở mức hợp lý”, do nhu cầu suy yếu ở Trung Quốc, quốc gia đang chuyển hướng sang sử dụng xe điện.
Theo IEA, nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng chưa tới 900.000 thùng/ngày đến hết năm 2024 và khoảng 1 triệu thùng/ngày vào năm 2025, “thấp hơn đáng kể so với mức tăng 2 triệu thùng mỗi ngày được ghi nhận vào năm 2023”.